Viêm họng mãn tính là bệnh lý hô hấp phổ biến, khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Để phòng ngừa hiệu quả, hãy tìm hiểu những điều cần biết về bệnh qua bài viết sau.
Bạn biết gì về viêm họng mãn tính?
Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm, sưng và đỏ rát niêm mạc họng kéo dài (trên 10 ngày). Đây là hậu quả của viêm họng cấp tính không được điều trị tốt và tái phát nhiều lần. Dựa vào tính chất của tổn thương, có thể chia thành 4 thể bệnh:
- Thể xung huyết: Đây là tình trạng niêm mạc họng sưng đỏ và thấy rõ nhiều mạch máu.
- Thể xuất tiết: Thể bệnh này có dấu hiệu tương tự trường hợp xung huyết. Đồng thời, có thêm triệu chứng nhiều chất nhầy rất đặc trưng.
- Thể viêm họng hạt: Bệnh còn được gọi là viêm họng mãn tính quá phát. Các tổ chức hạt bạch huyết phát triển thành những hạt to nhỏ. Ngoài ra, niêm mạc họng còn dày lên và đỏ.
- Thể viêm họng teo: Niêm mạc họng mỏng và teo lại, giảm tiết chất nhầy, vòm họng nhợt nhạt, xuất hiện đóng vảy vàng.
5 nguyên nhân phổ biến gây viêm họng mãn tính
Có 5 nguyên nhân phổ biến gây bệnh phải kể đến bao gồm:
- Nhiễm trùng: Bệnh xảy ra có thể do nhiễm vi khuẩn hoặc virus nhiều lần. Một số tác nhân gây bệnh điển hình như: Liên cầu khuẩn, virus cúm A,…
- Mắc các bệnh lý đường hô hấp khác: Những người bị viêm xoang, viêm amidan, viêm thanh quản,… có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Trào ngược dạ dày – thực quản: Đây là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản và gây tổn thương niêm mạc hầu họng. Dần dần, sẽ gây đau rát và viêm họng kéo dài.
- Thói quen xấu: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia có thể gây viêm họng mãn tính.
- Môi trường sống: Sống trong môi trường ô nhiễm kéo dài sẽ rất dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.
Ngoài ra, còn do một số các nguyên nhân khác như: Dị ứng quanh năm, vẹo vách ngăn hoặc polyp cuống mũi,…
Các triệu chứng điển hình của viêm họng mãn tính
Các triệu chứng điển hình của bệnh là:
- Đau họng: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất. Đau họng có thể kèm theo khô họng, rát ngứa và có cảm giác vướng ở cổ họng. Tình trạng này thường xảy ra vào buổi sáng và kéo dài hàng tuần.
- Khó nuốt: Niêm mạc họng viêm và sưng lên khiến người bệnh khó nuốt và đau khi nuốt.
- Ho: Ho nhiều ngày và có thể kèm theo đờm đặc.
- Khản tiếng: Khản tiếng thường chỉ xảy ra trong vài giây, rồi giọng nói lại trở về bình thường.
- Ợ hơi, ợ chua: Triệu chứng này thường gặp ở những người bị viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày – thực quản.
- Khác: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi và có thể kèm theo sốt nhẹ.
Biến chứng của viêm họng mãn tính
Nhiều người có tâm lý thấy các triệu chứng đều nhẹ nên thường chủ quan. Thế nhưng, bệnh có thể gây ra các biến chứng như:
- Áp xe thành họng: Viêm nhiễm nặng hình thành ổ mủ (áp xe) với các triệu chứng: Sốt cao (39 – 40 độ C), ho đờm, chảy nước mũi màu vàng, xanh,…
- Mắc các bệnh lý khác: Người viêm họng mãn tính có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như: Viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi, viêm amidan, trào ngược dạ dày,…
- Ung thư vòm họng: Nếu không được điều trị khiến bệnh nặng hơn và tái phát nhiều lần. Từ đó, gây sưng to họng, khạc nhiều đờm, thậm chí ho ra máu và đau đầu dữ dội,… Do đó, gây ra biến chứng ung thư vòm họng có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị viêm họng mãn tính như thế nào?
Để đem lại hiệu quả trong điều trị, cần phối hợp loại bỏ nguyên nhân với giảm triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ.
Điều trị nguyên nhân
Muốn điều trị tốt cần xác định được nguyên nhân để loại bỏ chúng. Nếu nguyên nhân là do vi khuẩn thì cần dùng kháng sinh thích hợp. Nếu do viêm amidan, viêm xoang hay trào ngược dạ dày thì cần điều trị các bệnh lý đó. Đồng thời, tránh xa các tác nhân gây bệnh khác như thuốc lá, rượu bia,…
Điều trị triệu chứng
Bên cạnh điều trị nguyên nhân, để giảm các triệu chứng của bệnh, có thể dùng thêm các thuốc như: Thuốc để điều trị ho, kháng viêm, thuốc làm lỏng chất nhầy, long đờm…
Biện pháp hỗ trợ
Để hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn, người bệnh nên:
- Uống nước ấm để giảm đau rát và làm dịu cổ họng.
- Tránh các thức ăn gây kích thích cổ họng như thức ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ,…
- Thêm vào chế độ ăn các loại gia vị có tính kháng sinh tự nhiên như gừng, nghệ, tỏi,…
- Bổ sung các vitamin A, C, D từ thực phẩm, rau củ quả để tăng cường sức đề kháng.
- Nếu nguyên nhân do trào ngược dạ dày thì nên có chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý để giảm triệu chứng. Từ đó, giúp giảm làm tổn thương niêm mạc họng.
- Dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược để giảm ho, giảm viêm, làm dịu cổ họng.
Cách phòng ngừa hiệu quả viêm họng mãn tính tái phát
Viêm họng mãn tính dễ tái phát, nhất là khi thời tiết giao mùa hoặc hệ miễn dịch suy giảm. Để phòng ngừa hiệu quả, cần tránh các tác nhân gây bệnh và thực hành vệ sinh tốt. Dưới đây là một số lưu ý bạn nên biết phòng bệnh:
- Rửa tay thường xuyên, nhất là trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, cốc uống nước, đũa, thìa, bát,…
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Giữ ấm cơ thể khi vào mùa lạnh.
- Khi ho và hắt hơi thì dùng khăn giấy và vứt vào thùng rác. Khi cần thiết, hắt hơi vào khuỷu tay của bạn.
- Tránh xa các thói quen xấu như rượu bia, thuốc lá.
- Giữ môi trường sống và làm việc sạch sẽ.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày để tăng cường sức đề kháng.
Viêm họng mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác. Do đó hãy chủ động phòng tránh từ sớm. Qua bài viết này, Công ty CP Dược phẩm TW3 hy vọng đã cung cấp những thông tin đầy đủ và hữu ích cho bạn đọc. Nếu bạn cần thêm thông tin hãy truy cập vào website: https://vihodan.vn/ hoặc liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900 3199 để được hỗ trợ.