Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý rất phổ biến, thậm chí còn gặp ở cả trẻ em. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến đời sống và còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư dạ dày. Để cải thiện và phòng ngừa bệnh, chế độ ăn hợp lý đóng vai trò quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu người bị viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn gì và kiêng gì qua bài viết sau.
Viêm loét dạ dày tá tràng là gì?
Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị viêm và loét. Bệnh xảy ra do sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ dạ dày. Các yếu tố tấn công điển hình như acid HCl, pepsin. Và yếu tố bảo vệ là các lớp nhầy, bicarbonate,… Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến sự mất cân bằng này là: Vi khuẩn HP, dùng thuốc NSAIDs dài ngày, chế độ ăn uống không hợp lý, thói quen bia rượu,…
Viêm loét dạ dày tá tràng khiến người bệnh khó chịu với các triệu chứng điển hình như: Đau rát thượng vị, ợ chua, ợ hơi, đầy bụng, trào ngược dạ dày thực quản,… Thậm chí, bệnh còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư dạ dày. Để cải thiện, ngoài tuân thủ điều trị, người bệnh cũng cần có thói quen ăn uống hợp lý.
Viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn gì?
Dưới đây là top 6 nhóm thực phẩm giúp giải đáp thắc mắc “viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn gì”.
Các loại thực phẩm giàu vitamin và chất xơ
Các loại rau xanh, đặc biệt là rau màu xanh đậm chứa nhiều vitamin A, C, K và acid folic, sắt, canxi, chất xơ. Chất xơ có vai trò giúp hỗ trợ trung hòa acid dạ dày. Đồng thời giảm các triệu chứng như đầy hơi, đầy bụng, ợ chua,… Ngoài ra, rau xanh và hoa quả còn chứa các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào và chống viêm. Các thực phẩm có giàu chất xơ và tốt cho người viêm loét dạ dày tá tràng như:
- Bắp cải, súp lơ, rau chân vịt
- Hoa quả như táo, lê
- Bột yến mạch, khoai lang
Các thực phẩm có tính kiềm
Bổ sung các thực phẩm có tính kiềm là điều cần thiết. Vì khi acid dịch vị quá cao sẽ dễ gây trào ngược và làm nặng hơn tình trạng viêm loét. Ăn các thực phẩm có tính kiềm giúp trung hòa được acid trong dạ dày. Một số thực phẩm có tính kiềm phải kể đến như:
- Rau xanh như súp lơ, rau chân vịt
- Đậu xanh
- Tỏi
- Quả bơ
- Dưa chuột
- ….
Các thực phẩm giúp tăng dịch nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng
Đậu bắp, chuối là những thực phẩm thuộc nhóm này.
- Đậu bắp: Đậu bắp chứa nhiều vitamin B, C, E,… đặc biệt có chứa chất nhầy. Chất nhầy của đậu bắp sẽ giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đồng thời, có hiệu quả trong việc làm lành các vết viêm loét.
- Chuối: Chuối giúp trung hòa acid và giảm viêm. Kali trong chuối có tác dụng nhuận tràng, kích thích sản xuất ra chất nhầy. Nhờ đó, giảm các tổn thương lên niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, kali còn giúp bù lại lượng điện giải đã mất nếu người bệnh có nôn ói. Bên cạnh đó, pectin trong chuối giúp hỗ trợ kích thích tiêu hóa. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng: Chỉ nên ăn chuối chín, không nên ăn lúc đói, nên ăn sau khi ăn cơm từ 30 phút. Không nên ăn chuối hột, vì làm dạ dày tiết nhiều acid gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
Các thực phẩm giàu probiotic
Probiotic giúp hỗ trợ tiêu hóa nhờ cung cấp các lợi khuẩn cho đường ruột. Vì vậy, giúp cân bằng các vi khuẩn có lợi và có hại như H.pylori trong hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu,… cũng sẽ được cải thiện. Người bệnh có thể bổ sung probiotic từ các thực phẩm như: Sữa chua, súp miso, thực phẩm từ đậu nành…
Các món ăn dễ tiêu hóa
Để giảm áp lực lên dạ dày và hạn chế gây tổn thương niêm mạc, các món ăn nên dễ tiêu hóa và mềm. Khi nấu, hãy tránh chế biến nhiều dầu mỡ vì sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Bạn có thể hấp, luộc để hạn chế dầu mỡ. Các thực phẩm dễ tiêu người bệnh có thể tham khảo như:
- Cơm nát
- Bánh mì
- Khoai lang
- Cháo, súp
- Các thực phẩm giàu đạm như ức gà luộc, cá nạc, thịt lợn luộc,…
Các thực phẩm dễ thấm hút dịch vị dạ dày
Acid dịch vị tăng cao dẫn đến tình trạng đau rát vùng thượng vị, trầm trọng thêm các vết loét. Lúc này, người bệnh có thể ăn các loại thực phẩm có tính thấm hút, đồng thời bọc lại các vết loét không gây kích ứng. Các thực phẩm có khả năng thấm hút dịch vị dạ dày như:
- Bánh mì
- Bỏng ngô mềm
- Bỏng gạo
- ….
Viêm loét dạ dày tá tràng kiêng ăn gì?
Khi bị viêm loét dạ dày tá tràng, người bệnh nên kiêng một số nhóm thực phẩm sau:
- Các thực phẩm gây kích thích làm tăng acid dịch vị: Rượu bia, các món ăn chua, cay, trái cây chua,…
- Các thực phẩm gây tổn thương dạ dày: Đồ ăn dầu mỡ, chiên rán, các món ăn cứng (xương băm, sụn, tôm, cua, chân gà,…), rau đậu già, món tẩm ướp nhiều gia vị,…
- Các thực phẩm sinh hơi, chướng bụng: Giá đỗ, dưa cà muối, hành, hẹ, cần tây, các loại nước có ga,…
Một số lưu ý trong chế độ ăn uống cho người bệnh
- Để giảm áp lực lên dạ dày, thức ăn nên được thái nhỏ, nấu mềm. Chế biến hấp, luộc để hạn chế dầu mỡ.
- Tập trung ăn uống, tránh tình trạng vừa ăn vừa xem tivi, đọc báo,… Điều này giúp tăng bài tiết của nước bọt, quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Tránh để bụng quá đói hoặc ăn quá no. Khi bụng đói là lúc dạ dày rỗng, co bóp mạnh gây đau. Ăn quá no khiến dạ dày căng to, co bóp yếu, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
- Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa được acid.
- Tránh ăn quá đặc làm dịch vị khó thấm vào giữa khối thức ăn, hoặc ăn quá lỏng và nhiều nước quá làm pha loãng dịch vị, giảm khả năng tiêu hóa.
- Không nên ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Thức ăn ấm khoảng 40-50 độ C tốt cho tiêu hóa, hấp thu.
Trên đây là những thông tin hữu ích, giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn gì và kiêng gì. Nếu cần biết thêm thông tin, hãy liên hệ với Công ty CP Dược phẩm Trung Ương 3 qua tổng đài 1800.1286 để được tư vấn.