Người bệnh tiểu đường thường phải ăn uống kiêng khem khổ sở nên rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Vậy ăn uống thế nào để không bị thiếu chất dinh dưỡng lại giúp ổn định đường huyết và ngăn ngừa biến chứng hiệu quả đang là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường qua bài viết dưới đây nhé!
Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường
Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh tiểu đường. Lợi ích của chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp:
- Đảm bảo không gây tăng đường huyết sau ăn.
- Tránh hạ đường huyết ở người bệnh sử dụng thuốc có nguy cơ gây hạ đường huyết.
- Duy trì cân nặng của người tiểu đường ở mức tốt nhất.
- Người bệnh tiểu đường duy trì tốt hoạt động thể lực hàng ngày.
Vậy người bệnh tiểu đường phải ăn như thế nào cho đúng?
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày (với lượng 40ml/kg trọng lượng).
- Ăn đúng giờ để cơ thể có thói quen tiết insulin giảm đường huyết tốt hơn.
- Ăn đúng cách, ăn rau trước sau đó mới đến cơm và thức ăn.
- Ăn đúng lượng, không ăn quá no hay quá đói.
- Ăn chậm, nhai kỹ
- Hạn chế tối đa việc ăn khuya
- Nên ăn các món chế biến đơn giản, dễ làm như hấp, luộc…
Để xây dựng một chế độ dinh dưỡng, một thực đơn phù hợp theo thể trạng từng người bệnh, cần tham khảo dựa trên tháp dinh dưỡng.
Bệnh nhân tiểu đường nên chia nhỏ các bữa ăn
Tháp dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường
Tháp dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường chính là chế độ ăn dành riêng cho người bệnh. Chế độ ăn này giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh và giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Dựa vào tháp thực phẩm dinh dưỡng này, người bệnh sẽ có các thông tin cần thiết về những gì nên ăn và số lượng bao nhiêu là đủ.
Tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường được chia thành 4 phần dựa theo nhóm thực phẩm
Nhóm tinh bột
Nhóm tinh bột giúp cung cấp hầu hết calo trong chế độ ăn kiêng cho người bệnh tiểu đường. Calo có trong tinh bột có tác dụng cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống thường ngày của người bệnh. Ngoài ra, nhóm tinh bột còn bổ sung carbohydrate và một số ít vitamin thiết yếu như A, C, D…cho người bệnh tiểu đường.
Ở người bệnh tiểu đường cần bổ sung nhóm thực phẩm này đảm bảo 50 – 60% tổng năng lượng. Nên ưu tiên sử dụng: gạo nếp, gạo tẻ, khoai lang, gạo lứt, ngũ cốc,… và hạn chế khoai tây, bánh ngọt, bánh mì,… Ngoài ra, nên chia nhỏ những thực phẩm này thành nhiều bữa ăn trong ngày ( 6 – 7 bữa/ ngày). Tránh ăn quá nhiều gây tăng đường huyết đột ngột.
Người bệnh có thể tham khảo bí quyết sau đây để bữa ăn không chỉ giàu chất dinh dưỡng mà còn giúp giảm thiểu lượng đường hấp thu vào cơ thể. Bạn nên chia một bữa ăn chính thành 4 phần:
- 1 phần dành cho các món chứa nhiều tinh bột như gạo, bánh mì và các loại củ.
- 2 phần dành cho các món rau, củ, quả không chứa tinh bột.
- Phần cuối cùng sẽ dành cho các món ăn giàu đạm như cá, thịt gà.
Lưu ý: Nên ăn bằng chén và đựng thức ăn trong đĩa nhỏ để tránh ăn quá no. Ăn quá no sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Nhóm đạm và vitamin
Nhóm thực này bao gồm: trứng, thịt, cá, sữa,… cung cấp lượng lớn chất đạm, sắt và vitamin, đảm bảo năng lượng cho cơ thể hoạt động. Người bệnh tiểu đường cần cung cấp đủ lượng chất đạm và vitamin hàng ngày nếu không sẽ bị thiếu dinh dưỡng và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.
Với người bệnh tiểu đường cần cung cấp đủ mỗi ngày từ 1 – 1,2g protein, tương đương với khoảng 15 – 20% tổng năng lượng của khẩu phần ăn. Nên lựa chọn những loại thực phẩm chứa đạm thực vật như: sữa đậu nành không đường, đậu phụ,… Ngoài ra, nên chọn thịt nạc, thịt ức gà, không ăn da gà,… để hạn chế nguy cơ béo phì, thừa cân gây ảnh hưởng không tốt cho người bệnh.
Thực phẩm giàu đạm cung cấp lượng lớn năng lượng hàng ngày
Nhóm chất xơ
Chất xơ là nhóm chất không thể thiếu trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường. Trong rau xanh và trái cây có nhiều vitamin, acid amin và chất khoáng giúp cung cấp đầy đủ chất cho người bệnh. Ngoài ra, thực phẩm giàu chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu lượng đường vào máu, từ đó giúp ổn định đường huyết sau bữa ăn.
Người bệnh nên ăn rau củ luộc bình thường, hoặc có thể ăn các món rau sống bằng cách trộn làm salad,… Các loại rau củ như: mướp đắng, tảo, rau muống, rau ngót, bí xanh,… rất tốt cho cơ thể.
Người bệnh tiểu đường cần tiêu thụ lượng chất xơ trung bình ít nhất 14g /1000kcal/ngày. Với nữ giới là 25g/1000kcal/ngày và với nam giới là 38g/1000kcal/ngày.
Nhóm chất béo
Khẩu phần ăn của người bệnh tiểu đường cũng rất cần chất béo để cung cấp năng lượng. Đây là một dưỡng chất giúp hỗ trợ cho tế bào hòa tan và cung cấp lượng lớn năng lượng. Ngoài ra, chất béo còn giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và phản ứng của cơ thể với insulin, ổn định đường trong máu.
Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát lượng chất béo có trong thực đơn của mình để đảm bảo cho cơ thể khỏi các tác dụng phụ của chất béo. Tốt nhất người bệnh chỉ nên sử dụng tối đa khoảng 25% tổng số năng lượng khẩu phần. Những loại có chất béo tốt nên ưu tiên sử dụng: mỡ cá, dầu oliu, dầu mè, dầu đậu nành, cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, hạnh nhân, hạt óc chó, bơ… Hạn chế ăn mỡ heo, mỡ bò, da vịt, da gà, đồ lòng, nội tạng động vật, óc… Điều này sẽ giúp người bệnh tiểu đường tránh được các bệnh liên quan đến tim mạch và các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Tỉ lệ chất béo trong khẩu phần ăn chỉ nên chiếm khoảng 25% tổng năng lượng
Những thực phẩm mà bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế ăn phải
Để đảm bảo được sức khỏe tốt nhất, người tiểu đường nên hạn chế sử dụng một số loại thực phẩm sau đây:
- Thực phẩm chứa mức glucid trên 20%: Chất bột đường này sẽ làm tăng nhanh đường huyết khi ăn vào. Vì vậy người bệnh tiểu đường nên ăn những thực phẩm có lượng glucid nhỏ hơn 5%. Hạn chế ăn các loại thực phẩm có lượng glucid từ 10 – 20% để bảo vệ sức khỏe.
- Các loại thực phẩm nhiều đường: Các loại thực phẩm có nhiều đường như là bánh ngọt, kẹo, mứt, nước ngọt… nên hạn chế sử dụng vì những loại này sở hữu lượng lượng đường rất cao.
- Rượu bia, các thức uống có cồn: Người bệnh tiểu đường nên hạn chế những loại đồ uống có cồn. Vì đây là nguyên nhân khiến cho người bệnh bị hạ đường huyết (nhất là khi đói).
- Giảm tiêu thụ muối: Những người bị bệnh tiểu đường nên ăn nhạt và giảm tiêu thụ muối. Bởi vì khi ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp, điều này rất nguy hiểm đối với người bệnh tiểu đường. Chỉ nên sử dụng lượng muối khoảng 2300mg/ngày.
Thực đơn tham khảo cho người bệnh tiểu đường
Tham khảo ngay thực đơn dinh dưỡng dành cho người bệnh tiểu đường:
Buổi | Bữa sáng(6h30- 7h30) | Bữa phụ sáng (9h) | Bữa trưa(11h -11h30) | Bữa xế trưa( 14h – 14h30) | Bữa chiều( 17h – 17h30) | Bữa tối(20h – 20h30) |
Thứ 2 |
Bún ngan (1 bát vừa) | Ổi 100g | – Cơm gạo lức (½ bát)– Canh cải nấu bò ( 1 bát canh con)– Cá kho (cá nục, cá chép, cá trắm,..) 150g– Lơ xanh luộc 200g | Đu đủ chín 150g | – Canh đậu bắp thịt heo (½ bát con)– Tôm tươi hấp 150g– Cà rốt luộc 100g– Dưa chuột 150g | Sữa chua không đường 1 hũ |
Thứ 3 |
Bún mọc ( 1 bát vừa ) | Đu đủ chín 200g | – Cơm ( ¾ bát )– Chả cá viên kho 3 viên– Canh bắp cải thịt heo ( 1 bát nhỏ )– Su su luộc 130g | Lê 150g | – Cơm ( ¾ bát )– Cá kèo kho rau răm 4 con– Canh cải xoong thịt heo ( ½ bát )– Đậu bắp luộc 170g | Sữa dành riêng cho người tiểu đường 230ml |
Thứ 4 |
Phở gà ( 1 bát vừa ) | Cam ( ½ quả – 100g ) | – Cơm gạo lứt ( ½ bát )– Canh rau mồng tơi nấu cua ( 1 bát con )– Cá hấp 150g– Rau muống luộc 200g | Nho 150g | – Cơm ( ⅓ bát )– Canh su hào ( 1 bát con )– Ức gà nướng 150g– Bắp cải luộc 150g | Sữa dành riêng cho người tiểu đường 150ml |
Thứ 5 |
– Ngũ cốc 150g – Sữa không đường 100ml | Quýt 100g | – Cơm gạo lứt ( ½ bát ) – Canh giá đỗ ( 1 bát con )– Thịt nạc lợn băm 150g– Rau cải luộc 200g | Dâu tây 200g | – Cơm ( ⅓ bát )– Canh rau lang ( 1 bát con ) – Ức gà nướng 150g– Cà rốt luộc 100g | Sữa dành riêng cho người tiểu đường 100ml |
Thứ 6 |
– Salad cà chua (1 đĩa vừa )– Cháo ức gà ( 1 bát con ) | Sữa không đường 180ml | – Cơm (½ bát )– Canh rau ngót nấu thịt lợn nạc ( 1 bát con )– Cá thu sốt 150g– Bí xanh luộc 200g | Dưa lưới 150g | – Cơm gạo lứt ( ½ bát )– Canh bầu nấu tôm ( 1 bát con )– Đậu nhồi thịt sốt 100g– Giá đỗ luộc 150g | Sữa dành riêng cho người tiểu đường 135ml |
Thứ 7 |
– Cháo gà ( 1 bát con )– Táo 100g– Sữa cho người tiểu đường 135ml | Ổi 100g | – Cơm ( ½ bát )– Canh giá nấu cà chua ( 1 bát con )– Mướp đắng nhồi thịt nạc 150g– Lơ xanh luộc 200g | Dứa 150g | – Cơm gạo lứt ( ½ bát nhỏ )– Canh mướp ( ½ bát nhỏ)– Mực xào dứa 150g– Rau bí luộc 200g | Sữa chua không đường 1 hũ |
Chủ nhật |
– Bánh mỳ trứng 1 cái vừa | Bưởi 4 múi | – Cơm ( 1 bát nhỏ )– Thịt gà kho gừng 50g– Canh bí đao ( 1 bát con )– Rau lang luộc 200g | Thanh long 170g | – Cơm ( 1 bát nhỏ )– Đậu hũ nhồi thịt sốt cà chua ( ½ miếng )– Canh rau dền nấu tôm ( 1 bát nhỏ ) | Sữa dành riêng cho người tiểu đường 140ml |
Trên đây là những thông tin chi tiết về chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường để hỗ trợ người bệnh ngăn các biến chứng nguy hiểm và ổn định đường huyết. Hy vọng mọi người đã có thêm kiến thức để có thể tuân thủ và duy trì thực hiện hằng ngày giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn. Nếu cần thêm thông tin hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1800.1286 để được giải đáp.