Thời điểm cho trẻ ăn dặm có ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nói riêng và sự phát triển của trẻ nói chung. Vì vậy, cho con ăn dặm đúng thời điểm, đúng cách là vô cùng quan trọng. Vậy bao giờ cho trẻ ăn dặm là phù hợp? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên, đồng thời cung cấp thêm những thông tin hữu ích về việc cho trẻ ăn dặm.
Khi nào nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm?
Thời điểm thích hợp để bắt đầu cho trẻ ăn dặm là khi con tròn 6 tháng tuổi. Giai đoạn ăn dặm hay ăn bổ sung là giai đoạn từ 6 đến 24 tháng tuổi.
Khi được 6 tháng tuổi, năng lượng bé cần là 700 kcal/ngày. Trong khi đó, sữa mẹ cung cấp được khoảng 450 kcal/ngày. Vì vậy, để bé có đủ năng lượng để phát triển, ngoài bú mẹ, cần cho trẻ ăn bổ sung. Ngoài ra, từ thời điểm này, sữa mẹ không còn đáp ứng được nhu cầu về một số dưỡng chất thiết yếu cho con. Bởi vậy, ăn dặm là cần thiết để bổ sung các chất dinh dưỡng cho trẻ.
6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp nhất để cho trẻ ăn dặm. Không nên cho bé ăn dặm quá sớm vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh. Cơ thể trẻ chưa có đủ enzyme amylase để tiêu hóa tinh bột. Ngoài ra, cho trẻ ăn dặm sớm, sẽ dẫn đến tình trạng bé bú ít sữa mẹ hơn. Điều này lại khiến cơ thể bé thiếu chất dinh dưỡng từ sữa mẹ. Do vậy, trẻ có thể gặp phải tình trạng suy giảm sức đề kháng, ảnh hưởng đến sự phát triển. Giai đoạn này cũng là giai đoạn nhạy cảm, bé rất dễ bị dị ứng thức ăn do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Ngược lại, nếu cho bé ăn dặm muộn hơn 6 tháng tuổi, trẻ có thể tăng trưởng chậm.
Những nguyên tắc cho trẻ ăn dặm đúng cách
Để cho trẻ ăn dặm đúng cách, cha mẹ cần lưu ý những nguyên tắc sau:
- Bắt đầu bằng những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc sữa công thức: Mục đích là để bé làm quen dần với việc ăn dặm. Nguyên tắc ngọt – mặn cần được tuân thủ. Vị ngọt ban đầu sẽ gần giống sữa mẹ, vì vậy, mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm với bột ngọt trước. Sau đó, chuyển dần sang bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
- Nguyên tắc ít – nhiều: Đây cũng là nguyên tắc để hệ tiêu hóa của trẻ được làm quen dần với thức ăn. Thời gian đầu, lượng thức ăn phù hợp với bé là khoảng từ 1 – 3 muỗng. Sau đó, khi bé đã quen dần, thì tăng dần lên đến ⅓ rồi ½ bát.
- Nguyên tắc loãng – đặc: Tương tự, cho trẻ ăn dặm từ loãng đến đặc để trẻ có thời gian làm quen dần với thức ăn mới. Nhờ đó, hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động phù hợp, dần dần có thể tiêu hóa được thức ăn phức tạp hơn.
- Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng: Trong bữa ăn dặm của trẻ, cần đảm bảo cân đối 4 nhóm chất: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Không ép trẻ ăn: Có những trẻ sẽ phản ứng lại việc ăn dặm. Cha mẹ không nên ép trẻ ăn. Thay vào đó, hãy ngừng việc ăn dặm của trẻ khoảng 5 – 7 ngày để trẻ không căng thẳng. Cũng có nhiều trường hợp, cha mẹ thấy con ăn ít nên ép con ăn. Điều này có thể tạo tâm lý sợ ăn, lâu dần trẻ sẽ biếng ăn.
4 nhóm thực phẩm cho trẻ ăn dặm
Để trẻ phát triển toàn diện, khi bắt đầu ăn dặm, bé vẫn cần được bú mẹ hàng ngày. Mỗi ngày, bé vẫn cần tiếp tục bú sữa mẹ ít nhất 3-4 lần. Đồng thời, cho bé ăn từ 2 bữa bột,cháo/ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày khi 1 tuổi. Khi chăm con, mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn dặm đúng cách và đủ 4 nhóm chất sau:
- Nhóm chất bột đường: Đây là nhóm thực phẩm giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Một số cách chế biến và món ăn gợi ý cho mẹ như: Nghiền cháo, khoai tây hoặc nấu bột yến mạch,… Trẻ trên 1 tuổi có thể nấu cháo thịt, hoặc súp,… (phần thịt mẹ nên xay nhuyễn).
- Nhóm chất đạm: Chất đạm có vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển và tăng trưởng. Mẹ nên cung cấp cả chất đạm động vật (thịt gà, lợn, cá,…) và đạm thực vật (các loại đậu đỗ,…) cho bé.
- Nhóm chất béo: Chất béo giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đồng thời, giúp hòa tan các thành phần tan trong dầu như các loại Vitamin A, D, K, E để được hấp thu. Trẻ cần được ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật. Mẹ nên cho bé ăn xen kẽ các ngày để cân bằng. Mỡ động vật như mỡ gà, lợn,…, dầu thực vật như dầu đậu nành, mè,… Lưu ý, riêng dầu gấc, bé không nên ăn hàng ngày, chỉ cần ăn 1-2 lần/tuần để tránh thừa tiền vitamin A gây vàng da.
- Nhóm vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất giúp bé phát triển, tăng cường hệ miễn dịch,… Nhóm này có nhiều trong rau xanh và trái cây.
Những lưu ý khi chế biến món ăn dặm cho trẻ
Khi chế biến các món ăn dặm cho trẻ, mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Thêm dầu, mỡ vào món ăn dặm của bé: Chất béo sẽ giúp cung cấp năng lượng cho trẻ. Đồng thời, giúp hòa tan các chất tan trong dầu để hệ tiêu hóa dễ dàng hấp thu hơn.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là việc cần thiết khi nấu ăn cho bất kì ai. Với trẻ nhỏ còn non nớt, lại càng phải chú ý, vì trẻ dễ gặp vấn đề về tiêu hóa. Bởi vậy, từ vật dụng đến nguyên liệu và trong quá trình chế biến phải đảm bảo sạch sẽ. Đồ ăn dặm sau khi nấu xong, nên cho bé ăn ngay trong vòng 2 giờ.
- Không thêm gia vị/nước mắm cho trẻ dưới 1 tuổi: Nhiều gia đình có thói quen thêm một chút nước mắm vào đồ ăn dặm của trẻ. Tuy nhiên, ăn muối lúc này sẽ gây ảnh hưởng đến thận của bé.
- Lưu ý khi chế biến: Khi chế biến, mẹ hãy nấu mềm. Nếu trong món ăn có cá mẹ cần cẩn thận gỡ hết xương, tôm phải cắt râu, bóc vỏ, chỉ lấy phần thịt và xay nhuyễn. Đa dạng cả về thực đơn và hình thức để bé không cảm thấy nhàm chán.
Trên đây là những thông tin xung quanh việc cho trẻ ăn dặm. Qua bài viết này, Công ty CP Dược phẩm Trung Ương 3 đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc: Bao giờ cho trẻ ăn dặm là phù hợp? Để biết thêm thông tin, hãy truy cập vào website: https://forikid.vn/ hoặc liên hệ đến tổng đài: 1900.3199 để được tư vấn.